Báo cáo mới nhất về trí tuệ nhân tạo (AI) trong ngành dịch vụ tài chính của IDC và Microsoft châu Á cho biết, ước tính tới năm 2021, AI sẽ giúp đẩy biên lợi nhuận của các tổ chức dịch vụ tài chính lên gấp 2,1 lần so với hiện tại, đồng thời tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp lên 1,7 lần.
Báo cáo đánh giá sự tăng trưởng của châu Á – Thái Bình Dương với AI do IDC và Microsoft châu Á thực hiện đã chỉ ra sự trỗi dậy của AI: Hơn một nửa các tổ chức dịch vụ tài chính (FSI) đã bắt đầu hành trình AI hóa. Đáng chú ý, tỷ lệ này cao hơn hẳn so với con số 41% trung bình toàn ngành tại châu Á-Thái Bình Dương.
“AI có sức mạnh thay đổi ngành dịch vụ tài chính mạnh mẽ hơn bất cứ công nghệ nào trong lịch sử hiện đại,” ông Akshay Sabhikhi, CEO của công ty công nghệ CognitiveScale nhận định.
Theo đó công nghệ này hiện được các tổ chức tín dụng dùng đánh giá hồ sơ vay trực tuyến, giúp giảm thời gian phê duyệt hồ sơ với độ chính xác cao. Các nhà kinh doanh bảo hiểm xe hơi cũng ứng dụng AI và máy học trong việc đánh giá thiệt hại thông qua hình ảnh xe khách hàng gửi về, từ đó cải thiện thời gian chờ và trải nghiệm của khách hàng.
Kết quả khảo sát cho thấy, ước tính tới năm 2021, AI sẽ giúp các tổ chức FSI tăng cường khả năng phân tích kinh doanh, cải thiện tương tác với khách hàng, thúc đẩy đổi mới và tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Biên lợi nhuận cũng theo đó được cải thiện ấn tượng, với 35% vào năm 2021, cao hơn nhiều so với mức 17% hiện tại.
Tuy 90% các lãnh đạo đồng ý rằng AI là công cụ giúp cải thiện khả năng cạnh tranh nhưng con đường ứng dụng AI của họ vẫn nhiều chông gai. Dù mạnh về vốn và có kho thông tin dữ liệu vượt trội hơn các tổ chức hiện đang tiên phong trong ứng dụng AI, các FSI vẫn đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt cơ sở hạ tầng, chiến lược, kỹ năng và vẫn chưa hình thành được môi trường văn hóa doanh nghiệp phù hợp cho AI sinh trưởng.
Theo kết quả khảo sát trên hàng trăm chuyên gia AI của Viện Tương lai nhân loại (Future of Humanity Institute) trực thuộc đại học Oxford, có khả năng cao AI sẽ thay thế phần lớn các công việc của con người trước năm 2063 và tự động hóa tất cả công việc trong vòng 120 năm tới. Tuy nhiên 62% lãnh đạo doanh nghiệp và 67% nhân viên tham gia khảo sát của Microsoft đều tin rằng AI sẽ thúc đẩy, thay vì thay thế công việc của họ.
Một báo cáo khác gần đây của McKinsey cho biết ước tính khoảng một nửa nhân viên của các tổ chức FSI hiện tại đang xử lý các tác vụ liên quan tới rủi ro vận hành, trong khi chỉ 15% chịu trách nhiệm phân tích thông tin. Điều này hoàn toàn trái ngược với quá khứ, khi khâu phân tích thông tin ngốn rất nhiều nhân lực của doanh nghiệp.
AI cũng khiến yêu cầu tuyển dụng của các tổ chức FSI thay đổi. Ba kỹ năng hàng đầu các lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng sẽ thiếu hụt trong tương lai bao gồm khả năng nghiên cứu và phát triển khoa học, kỹ năng số và kỹ năng thích ứng và học hỏi không ngừng.
Bên cạnh đó, sự xuất hiện của AI cũng buộc văn hóa doanh nghiệp phải chuyển mình. Những người tham gia khảo sát của Microsoft tin rằng nhân viên thời đại AI cần được cấp trên trao quyền để chủ động đưa ra quyết định và hành động, sẵn sàng hợp tác với các phòng ban khác nhằm thực hiện những nhiệm vụ không thuộc mô tả công việc của mình, đồng thời luôn chủ động đổi mới sáng tạo. Đây cũng là những yếu tố mà các tổ chức FSI hiện vẫn đang thiếu.
“Việc tận dụng được tất cả tiềm năng của AI phụ thuộc vào mối quan hệ thành công giữa con người và công nghệ,” tiến sĩ Mark Marone, giám đốc nghiên cứu của Dale Carnegie nhận định.
Điều này đồng nghĩa nhân tố quan trọng nhất trong quá trình AI hóa của các tổ chức FSI chính là các lãnh đạo. Họ rất cần gầy dựng được niềm tin nơi nhân viên, vận dụng AI cách minh bạch và có kế hoạch trang bị cho nhân viên những kỹ năng cần thiết cho công việc tương lai, tiến sĩ Marone khuyến nghị.
Source: https://www.brandsvietnam.com/19277-Tri-tue-nhan-tao-se-tac-dong-manh-toi-nganh-dich-vu-tai-chinh